Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Các mẹ chú ý những điều này sau khi sinh mổ nhé

Sinh mổ là ca phẫu thuật lớn, vì vậy việc hồi phục sức khỏe sau sinh sẽ lâu hơn và mẹ còn dễ bị nhiễm trùng. Để hạn chế những rủi ro trên, chị em cần nhớ phải làm ngay những việc dưới đây sau ca sinh mổ:
Cố gắng vận động sớm
Dù sau sinh việc di chuyển, đứng hay ngồi đều khiến mẹ đau đớn, nhưng đừng vì vậy mà bạn nằm nhiều trên giường. Theo tiến sĩ Sarah Wagner tại trường Đại học Y tế Loyola (Hoa Kỳ), ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra, sản phụ đã có thể bước xuống giường tập đi bộ trở lại. Trước đó, chị em vẫn có thể cử động tay chân nhẹ nhàng hoặc ngồi dậy. Việc vận động, đi bộ ngắn giúp các chức năng bình thường của cơ thể hồi phục nhanh hơn, cũng như giảm nguy cơ mắc biến chứng sau phẫu thuật như dính ruột, tắc mạch máu… Ít hoặc lười vận động sau sinh mổ làm cho nhu động ruột chậm hồi phục, từ đó dẫn đến chứng táo bón rất khó chịu ở chị em sản phụ. Đồng thời, đây cũng là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng làm hình thành các cục máu đông ở chân, tay và gây viêm phổi sau phẫu thuật.
Tuy vậy, các mẹ chỉ nên bắt đầu vận động sau 1 ngày sinh mổ, vì trong khoảng thời gian này, các loại thuốc mê được dùng trong phẫu thuật có thể vẫn còn tác động lên chân, hoặc làm cho sản phụ bị chóng mặt, choáng váng. Đặc biệt đối với những chị em đã trải qua giai đoạn chuyển dạ quá khó trước khi quyết định sinh mổ cần phải nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trước khi di chuyển, nếu không sẽ dễ gặp nguy hiểm do ngã, ngất… Ngoài ra, các mẹ siêng vận động cũng nên nhớ rằng, dù tập thể dục sẽ rất tốt và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau sinh, nhưng nếu sinh mổ thì chị em vẫn cần từ 4 – 6 tuần sau sinh mới được tập luyện trở lại.
Sinh đẻ
sinh mổ
Cho bé bú ngay khi có thể
Không dám cho con bú ngay sau sinh mổ vì sợ có hại cho bé, sữa không kịp về hay sữa còn chứa thuốc mê ảnh hưởng đến trẻ… là suy nghĩ thường gặp ở chị em sản phụ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại khẳng định, mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú ngay trong 1 giờ đầu sau sinh mổ dùng hình thức gây tê cục bộ. Với những sản phụ đẻ mổ bằng cách gây tê toàn thân, thời điểm thông thường có thể bắt đầu cho bé bú là sau khoảng 4 – 6 tiếng đồng hồ, khi thuốc gây tê bớt tác dụng.
Cho bé bú sớm không chỉ giúp gắn kết tình mẫu tử, tăng sức đề kháng cho bé mà còn giúp tử cung của mẹ mau phục hồi, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh. Để tránh ảnh hưởng vết mổ, các mẹ nên nhờ “anh xã” hay người thân trợ giúp để đỡ bé bú ở tư thế thoải mái nhất cho cả 2 mẹ con.
Đừng từ chối thuốc giảm đau
Việc dùng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, vì vậy các mẹ đừng ngại yêu cầu bác sĩ cung cấp thuốc nếu các cơn đau đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Các vết mổ đang lành gây đau đớn, kết hợp với tử cung đang co thắt để trở về trạng thái ban đầu có thể làm cho bạn choáng váng và kiệt sức. Do đó, đừng vì sợ thuốc sẽ đi vào sữa ảnh hưởng xấu đến bé mà hành hạ mình bằng cách tự cắn răn chịu đựng, bởi còn có nhiều loại thuốc giảm đau rất an toàn với bà mẹ đang cho con bú dành cho bạn.
Không cố sức nâng bé
Dù rất khát khao được nâng bé yêu ra khỏi nôi trong vòng tay ấm áp của mình, các mẹ cũng đừng “dại” tự mình làm điều đó mà hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ chồng hay người thân trong gia đình. Nâng bé sơ sinh, dù trọng lượng không quá lớn, cũng có thể gây đau đớn và khó khăn cho chính người mẹ, vốn còn đang bị vết đau mổ hành hạ.
Chú ý đến sản dịch
Dù bạn sinh mổ, sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường, và đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch sẽ có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng vào ngày thứ 10, sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Do đó, các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi, hay có màu đỏ tươi trở lại… cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.
Ăn nhiều chất xơ
Táo bón là một trong những khó chịu không hề nhỏ đối với sản phụ sinh mổ. Theo tiến sĩ Wagner, ruột có thể sẽ mất nhiều thời gian cũng như tiêu hóa khó khăn hơn với tất cả thức ăn mà bạn tiêu thụ trong giai đoạn này, dẫn đến chứng khó tiêu, sình bụng, thậm chí gây đau vai. Do đó, ngoài việc dùng các loại thuốc làm mềm phân theo chỉ định của bác sĩ, chị em đừng quá kiêng khem mà hãy dung nạp nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau quả, uống nhiều nước, năng vận động và di chuyển.
Đồng thời, nên tránh ăn quá nhiều mà cần chia thành nhiều bữa trong ngày, tránh các loại thức ăn tanh như cá, ốc vì chúng gây ức chế quá trình ngưng tụ máu, không có lợi cho việc đông máu sau phẫu thuật, khiến vết thương lâu lành, thậm chí không lành được.
Chăm sóc và giữ vệ sinh vết mổ
Để không bị nhiễm trùng, các mẹ nên đặt 1 miếng vải sạch lên trên vết mổ giúp tránh mồ hôi ra quá nhiều thấm vào vết mổ gây đau, xót và lâu liền da. Khi tắm, mẹ không được chà xát mạnh lên vết mổ và chỉ xả nước nhẹ nhàng bằng vòi hoa sen sau đó lau khô bằng khăn mềm. Thông thường, vết mổ sẽ tự lành trong vòng 1 tuần lễ. Tuy nhiên, nếu vùng da xung quanh vết mổ chuyển sang sưng đỏ, chảy nước màu xanh lá hay mủ, hoặc gây đau đớn, là lúc cần phải đến bác sĩ để được điều trị kịp thời, vì đây là dấu hiệu của nhiễm trùng hậu sản.
Chăm sóc bản thân
Các mẹ đừng vì quá hạnh phúc trong vai trò mới mà lơ là việc chăm sóc bản thân, dù điều này khó thực hiện khi vừa phải bận rộn ngày đêm với bé, vừa đau đớn vì vết mổ chưa lành hẳn. Cách tốt nhất giúp cơ thể mẹ mau hồi phục là hãy dùng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày, chọn quần áo thoáng mát, đẹp và rộng rãi để thoải mái hơn, dành thời gian thư giãn dưới vòi sen hay bồn nước ấm, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng và phù hợp cho bà mẹ sau sinh, tranh thủ sự trợ giúp từ chồng và người thân trong gia đình để có thêm thời gian nghỉ ngơi, ngủ ngắn trong ngày…. Một khi mẹ đã hồi phục tốt sức khỏe, bé sẽ được hưởng lợi từ nguồn sữa dồi dào và có chất lượng hơn.

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Trứng ngỗng hay trứng gà tốt cho bà bầu hơn?

Trứng luộc
Nhiều người cho rằng trứng ngỗng bổ hơn trứng gà, thậm chí còn mách nhau rằng phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng sẽ đẻ con khỏe đẹp, thông minh hơn? Nhưng thực tế có phải như vậy?
Theo Bs. Kim Minh, Viện Dinh dưỡng, thực tế giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng kém xa trứng gà. Một số tài liệu nghiên cứu cho thấy, trứng ngỗng có 13,5% chất protein, 13,2% lipid, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 0,1mg% vitamin PP… So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%).
Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (0,33mg% so với 0,70mg% trong trứng gà). Do đó các nhà dinh dưỡng khuyên phụ nữ có thai nên tẩm bổ bằng trứng gà thay cho trứng ngỗng sẽ tốt hơn rất nhiều.
Mặt khác, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không có lợi cho sức khoẻ phụ nữ có thai. Chị em có thể bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao nếu lạm dụng những thực phẩm giầu lipid và cholesterol như trứng ngỗng.
Cholesterol tham gia vào cấu tạo tạo tế bào thần kinh, do đó nếu thiếu cholesterol, bé sẽ kém thông minh, nhưng nếu cơ thể dư thừa cholesterol thì cũng không làm tăng phát triển não mà chỉ là tăng nguy bệnh tật lên thôi. Tuy nhiên, với chế độ dinh dưỡng của phần lớn người dân Việt Nam hiện nay, chỉ lo cơ thể thừa cholesterol chứ không mấy ai lo bị thiếu. Do đó, lựa chọn một thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng ít cholesterol là rất cần thiết cho sức khoẻ của mẹ và bé. Như vậy, giữa 2 thứ trứng gà và trứng ngỗng, trứng gà với hàm lượng dưỡng chất cao hơn, cholesterol ít hơn là lựa chọn thích hợp cho mẹ bầu để bé phát triển khoẻ mạnh.

Thực tế cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho rằng ăn trứng ngỗng con sẽ thông minh mà chỉ là những lời đồn.
Muốn sinh con khoẻ mạnh, trí não phát triển, khi có thai người mẹ cần ăn uống đủ chất, trong đó trứng gà là một trong những thực phẩm quí. Trong trứng gà thành phần các chất protein, lipid, glucid, các vitamin và chất khoáng có tỷ lệ hợp lý, giúp bồi dưỡng cơ thể rất tốt. Chúng ta không nên tin những lời mách nhau thiếu cơ sở khoa học thay trứng gà bằng trứng ngỗng, vừa đắt tiền mà lại có hại cho sức khỏe.

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Những lưu ý về sức khỏe cho bà bầu trong mùa lạnh

Khi mang bầu, hệ miễn dịch của bạn yếu hơn hẳn bình thường, đặc biệt là vào mùa lạnh, do đó khả năng nhiễm lạnh, nhiễm cúm hoặc các bệnh liên quan tới đường hô hấp là rất dễ xảy ra.
Chế độ ăn lành mạnh
Trong giai đoạn mang bầu, hầu hết chị em đều cần tăng lượng protein, các vitamin và khoáng chất như axit folic và sắt. Bạn nên lên lịch và điều chỉnh một chế độ ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng hơn cho mình.
Nên hạn chế các loại hải sản sống, các loại sữa chưa thanh/tiệt trùng… bởi chúng có thể chứa vi khuẩn gây hại cho em bé.
Hãy làm bạn với chất xơ vì trong giai đoan này bạn sẽ dễ bị táo bón hơn do xu hướng ít vận động vào mùa lạnh. Thức ăn nhiều dầu mỡ và bột đường có vẻ rất thú vị đấy, tuy nhiên chúng sẽ khiến bạn khó tiêu, tăng đường huyết và tăng cân quá mức cần thiết.
Lên lịch để uống đủ nước
Mùa đông, da dẻ mẹ bầu thường khô nẻ, đàn hồi kém, việc uống đủ nước sẽ giúp bạn khỏe mạnh, tươi tắn, da dẻ hồng hào, quan trọng hơn cả là lượng nước này sẽ đáp ứng được sự lưu thông máu nuôi thiên thần nhỏ trong bụng bạn. Nếu bạn uống đủ 2 lít nước mỗi ngày thì là điều tuyệt vời nhất đấy!
Thưởng thức một cốc sô cô la nóng
Ngoài ra, mẹ bầu có thể dùng trà nóng (trà thảo dược: gừng, quế, hoa nhài, hoa cúc…) – những loại này có tác dụng làm ấm cơ thể mẹ bầu. Bạn thử tưởng tượng mà xem, vào các buổi sáng, sau khi thức dậy, còn gì tuyệt vời hơn là nhâm nhi ngay một cốc sô cô la ấm áp.

Uống vitamin
Chắc chắn khi đi khám thai định kỳ, bác sĩ có đưa cho bạn một số loại vitamin cần thiết để bổ sung trong quãng thời gian này. Bạn hãy tuân thủ và duy trì thói quen uống thuốc bổ mỗi ngày, điều này không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho hai mẹ con, mà còn giúp bạn chống chọi được với bệnh tật, nhất là khi mùa lạnh gõ cửa như hiện nay.
Mặc đủ ấm
Đừng nghĩ rằng vì thân nhiệt của bạn đang cao hơn mức bình thường mà bạn có thể chịu lạnh tốt hơn. Khi mang bầu, hệ miễn dịch của bạn yếu hơn hẳn bình thường, đặc biệt là vào mùa lạnh, do đó khả năng nhiễm lạnh, nhiễm cúm hoặc các bệnh liên quan tới đường hô hấp là rất dễ xảy ra.
Trong mọi trường hợp, việc chăm sóc bản thân và ngăn chặn mọi nguy cơ nhiễm bệnh bao giờ cũng là điều tốt nhất bởi bạn đang mang trong mình một sinh linh bé bỏng.
Trong những tháng mùa đông lạnh lẽo như hiện nay, cộng với việc bụng bầu lớn lên, bề mặt da tăng diện tích tiếp xúc với không khí lạnh khiến bạn dễ bị cảm lạnh, bạn cần thận trọng hơn trong việc giữ ấm cơ thể và làn da.
Tập những bài thể dục nhẹ nhàng
Khi mang thai, chuyên gia y tế khuyên chị em nên tập luyện những bài thể dục nhẹ nhàng, phù hợp và điều này càng có lợi vào mùa đông. Nhiệt lượng sinh ra khi tập thể dục sẽ giúp bạn cảm thấy ấm áp hơn, máu lưu thông được tốt, các khớp hoạt động linh hoạt hơn và giúp bạn giữ được cân nặng ổn định nhất.
Khi cảm thấy cơ thể lạnh, bạn nên làm ấm cơ thể bằng cách vận động, di chuyển nhẹ nhàng và hít thở đều đặn để làm nóng thân nhiệt.
Những môn thể thao nhẹ nhàng cho bà bầu như đi bộ, chạy bộ, yoga… Đừng vì thời tiết lạnh mà bạn lười tập luyện nhé, nếu tiết trời mưa lạnh, bạn có thể tập luyện ngay tại nhà.
Tiêm phòng cúm
Trong giai đoạn mang bầu, chị em rất nhạy cảm với cúm và sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu trong thời gian quan trọng này bạn bị dính cúm. Nếu có thể, bạn nên tìm hiểu những mũi tiêm ngừa cúm khi chuẩn bị mang thai.
Mát-xa trước khi ngủ
Mang thai khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Nguyên nhân là vì cơ thể bạn đang phải sản xuất ra các kích thích tố giúp bào thai phát triển. Một giấc ngủ ngon là điều cần thiết, nó giúp bạn nghỉ ngơi, khỏe mạnh và lấy lại được sự tỉnh táo. Bài tập mát xa đầu, chân, tay đơn giản hoàn toàn giúp bạn được ngon giấc. Bạn có thể nhờ ông xã giúp cho điều này.
Tìm cách chia sẻ công việc với mọi người
Nếu như trước đây bạn là người ôm đồm, tham công tiếc việc, không thích làm phiền người khác thì giờ đây bạn nên thay đổi suy nghĩ đó. Bạn nên nhớ rằng bạn đang phải mang “một cái bụng bầu” khá nặng trong suốt 9 tháng đấy. Vì vậy bạn hãy giải thoát cho mình một phần gánh nặng bằng việc san sẻ việc với gia đình, với chồng.
Tránh tiếp xúc nơi đông người
Tránh tiếp xúc nơi đông người là cánh đơn giản nhất để tránh bị nhiễm cúm từ những người khác.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Có nên xoa bụng bầu?

Xoa bụng bầu thường xuyên sẽ làm tăng sự gắn kết tình cảm của cha mẹ với em bé trong bụng, đó là suy nghĩ của không ít thai phụ. Số khác lại cho rằng, làm vậy thường xuyên sẽ giảm được hiện tượng rạn da ở bụng. Ít thai phụ biết rằng việc làm này có ảnh hưởng không tốt tới mẹ và thai nhi.
Bất cứ tuổi thai nào trong thai kỳ, sự kích thích ở một số các bộ phận như tử cung, vú, da bụng… là điều không nên vì có thể gây ra những cơn co dạ con. Các cơn co này xuất hiện nhiều dẫn đến phản ứng động thai, đẩy thai trong tử cung ra ngoài dẫn đến hiện tượng động thải, sảy thai. Đặc biệt, việc xoa bụng bầu ở 2 tháng cuối thai kỳ càng nguy hiểm nhiều hơn, có thể xuất hiện tình trạng đẻ non hoặc đẻ ngay trong lúc xoa bụng.
Càng về giai đoạn cuối của thai kỳ, nguy cơ từ việc xoa bụng càng lớn. Do đó, các thai phụ nên tránh việc xoa vùng bụng. Đặc biệt là những bà bầu trong trường hợp có nhau thai bám mặt trước, từng có biểu hiện sinh sớm hoặc động thai càng không nên xoa bụng vì dễ gây kích thích hơn. Nếu dùng kem chống rạn, cần bôi rất nhẹ tay, tránh massage.
Không chỉ có xoa bụng mới thể hiện sự âu yếm của bạn dành cho đứa bé trong bụng. Có nhiều cách khác nhau để bạn cho em bé thấy rằng bạn luôn quan tâm đến sự hiện hữu của bé trong cơ thể mình.
– Trò chuyện: Hãy trò chuyện với bé giống như trò chuyện với một người có thể lắng nghe và hiểu được những gì bạn nói. Bắt đầu bằng những câu chuyện, những bài hát hay bất kỳ âm thanh sống động nào. Theo các chuyên gia, những lời trò chuyện sẽ giúp bé cảm nhận được giọng nói quen thuộc và bước đầu làm quen với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
– Cho bé nghe nhạc: Âm nhạc kích thích thính giác, não và các cơ quan khác, giúp bé mau lớn. Đây còn là hình thức giao tiếp quan trọng ngay khi bé chưa chào đời bởi sau này, con bạn sẽ dễ dàng nhận biết và yêu thích âm thanh, giai điệu. Bạn nên cho bé nghe những bản nhạc du dương, nhẹ nhàng, nhưng nên giới hạn thời gian và tần suất.
– Nếu muốn vuốt ve, hãy làm theo cách sau: Đặt một ngón tay nhẹ lên bụng, ấn nhẹ ngón tay từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, vừa thực hiện động tác vừa nói chuyện với bé khoảng 10 phút trước lúc ngủ mỗi ngày.
– Nếu thai phụ sử dụng kem chống rạn da, khi bôi cần phải cẩn thận, nhẹ nhàng, đặc biệt từ tháng thứ 7 trở đi, để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Dùng một ngón tay, bôi kem từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, vừa bôi vừa nói chuyện, bạn sẽ cảm nhận được những hoạt động của thai nhi và em bé cũng cảm nhận được sự âu yếm của bạn
Thảo luận tại diễn đàn: Có nên xoa bụng bầu?

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Tâm lý của người mẹ ảnh hưởng đến thai nhi?

Tâm lý người mẹ trong thời gian mang thai ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách, tinh thần của trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự gắn bó mật thiết giữa mẹ và trẻ là không thể phủ nhận ngay trong giai đoạn mang thai. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tâm lý của mẹ trong khi bầu bí có những ảnh hưởng lớn đến tính cách và tinh thần của con trẻ sau này.
Do đó nếu mẹ bầu có tâm lý thoải mái, hạnh phúc thì trẻ sinh ra cũng khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn. Ngược lại nếu tâm lý mẹ bầu tiêu cực hay thay đổi thất thường thì trẻ cũng có những biểu hiện thần kinh không tốt trong tương lai.
Dưới đây là những nguy cơ trẻ có thể mắc phải nếu sức khỏe tinh thần của mẹ không tốt trong thời gian mang bầu:
Nguy cơ tăng động
Mẹ bầu bị căng thẳng liên tục thường sản sinh ra hai loại hormone là cortisol và dolpamine. Đây là nhóm hormone khiến cho hệ thần kinh trở nên bồn chồn, mất tập trung và dễ kích động. Những mẹ bầu căng thẳng suốt thai kỳ khi sinh con ra dễ mắc chứng tăng động hơn trẻ có mẹ bình thường. Nguyên nhân được cho là thành phần hormone này từ mẹ đã truyền qua nhau thai đến thai nhi và khiến cho thần kinh của trẻ bẩm sinh không được ổn định.
tâm lý của người mẹ ảnh hưởng đến thai nhi
Nguy cơ tự kỷ
Trẻ thường có sự rối loạn hành vi cao gấp hai lần so với bình thường nếu mẹ có những rối loạn về tâm lý trong thai kỳ từ tuần 32 hay trong tuần 38-40. Những rối loạn tâm lý ở mẹ nếu càng xuất hiện về cuối của thai kỳ càng khiến cho thời gian trẻ gặp vấn đề này tăng lên từ 2 đến 4 năm.
Nguyên nhân được cho là những rối loạn tâm lý ở mẹ khiến cho một số hormone cần thiết cho trẻ bị ức chế.
Chậm nói
Có khoảng 15% trẻ có mẹ gặp vấn đề về tâm lý trong thai kỳ trở nên chậm nói hơn. Nhiều người tin rằng chính việc rơi vào trạng thái tinh thần tồi tệ khiến mẹ không quan tâm đến dinh dưỡng hàng ngày và gây ra sự thiếu hụt dưỡng chất cho thai nhi phát triển và khiến bé chậm nói.
Có khoảng 15% trẻ có mẹ gặp vấn đề về tâm lý trong thai kỳ trở nên chậm nói hơn.
Kém thông minh
Trong những tháng đầu của thai kỳ, nếu mẹ rối loạn, lo âu thì thường con sinh ra cũng ít tập trung. Nghiên cứu chỉ ra rằng chính sự suy sụp tinh thần khiến mẹ bầu lười vận động làm cho quá trình trao đổi chất giảm, năng lượng tích tụ và gây béo phì cho mẹ. Tuy nhiên, sự béo phì này không mang lại lợi ích cho thai nhi khi nó là nguyên nhân khiến quá trình trao đổi chất giữa mẹ với con suy giảm. Sự suy giảm này khiến cho thai nhi không phát triển tốt nhấtvề thể chất đặc biệt là trí não.
Trẻ khó tính, tự ti
Nhiều nghiên cứu cho thấy mẹ bầu hay nổi giận sẽ sinh con dễ cáu gắt. Mẹ bầu bi quan sẽ sinh con có tính tự ti. Mẹ bầu lạnh nhạt, thiếu yêu thương thì con sinh ra tính tình cũng lãnh đạm…
Sự tác động của tâm lý mẹ bầu lên thai nhi đã được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Kết luận chung vẫn là một thai kỳ khỏe mạnh, vui vẻ, thoải mái là tốt nhất cho con. Không chỉ vậy, một số chương trình thai giáo cũng dựa và sự liên thông và ảnh hưởng giữa mẹ với con này để đưa ra những phương pháp để giúp trẻ phát triển sớm ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Mang thai trong những trường hợp sau hãy cẩn thận



Khi mang thai cơ thể người mẹ vốn đã cần được chăm sóc nhưng với những trường hợp mẹ thiếu máu, mang đa thai hay chảy máu âm đạo thì còn phải cẩn thận hơn trong việc chăm sóc.

mang thai nên cẩn thận

Một số trường hợp mang thai có nguy cơ dẫn đến biến chứng trong thai kỳ
Hầu như tất cả các trường hợp mang thai đều diễn tiến bình thường và êm xuôi nhưng một số trường hợp có thể gặp nguy cơ dẫn đến các biến chứng trong thai kỳ hoặc khi chuyển dạ. Vì thế, thai phụ cần có kiến thức về thai nghén để phát hiện những bất thường để đi khám và được hướng dẫn chăm sóc đặc biệt. Sau đây là một số bất thường ở thai phụ cần được chăm sóc đặc biệt.
Thiếu máu:
Nhiều phụ nữ bị thiếu máu nhẹ trước khi mang thai do thiếu sắt trong cơ thể. Khắc phục tình trạng này là điều quan trọng để bạn đối phó được các nhu cầu gia tăng của tiến trình thai nghén và mọi nguy cơ thiếu máu lúc chuyển dạ. Ngoài chế độ ăn là các thực phẩm giàu sắt như các loại thịt nạc, thịt bò, phủ tạng như tim, gan, tiết gia súc gia cầm, trứng, sữa, đậu đỗ, rau có màu xanh đậm, cần bổ sung viên sắt. Nếu vẫn thiếu máu cần được cân nhắc và điều trị nguyên nhân thiếu máu. Vì thiếu máu ở thai phụ là một yếu tố đe dọa sản khoa, khi sinh dễ gặp rủi ro. Tỷ lệ tử vong khi đẻ ở người mẹ thiếu máu cao hơn hẳn ở những người mẹ bình thường. Đối với con thiếu máu gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao. Người mẹ có thai cần được theo dõi các biểu hiện thiếu máu, tốt nhất là thử máu và khám thai chậm nhất vào tháng thứ 4 sau khi có thai.
Bệnh đái tháo đường:
Bệnh đái tháo đường phải được theo dõi và điều trị cẩn thận trong lúc có thai. Bạn phải giữ mức đường trong máu ổn định. Nếu bạn làm được điều đó thì không có lý do gì mà tiến trình thai nghén không diễn ra một cách êm xuôi. Tuy nhiên cần phân biệt bệnh đái tháo đường có sẵn và đái tháo đường thai kỳ. Thường thai khoảng 6 tháng nhiều trường hợp từ trước không có tiền sử đái tháo đường nhưng khi mang thai ở giai đoạn này xét nghiệm máu lại có đái tháo đường (gọi đái tháo đường thai kỳ). Những trường hợp đái tháo đường thai kỳ cần có chế độ ăn uống hợp lý, không được kiêng quá mức thai sẽ suy dinh dưỡng nhưng nếu không biết cách thì thai sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi sinh. Tuy nhiên, nếu đái tháo đường thai kỳ thì thường mất đi sau đẻ 1 tháng nhưng cũng có khi trở thành bệnh đái tháo đường. Do vậy cần khám thai định kỳ để theo dõi sát sự phát triển của thai để tiên lượng cuộc đẻ, phòng các biến chứng khi sinh như thai nhi hạ đường huyết hoặc thai to phải can thiệp phẫu thuật…
Đa thai:
Thời gian thai nghén và lúc chuyển dạ của bạn sẽ diễn tiến bình thường, mặc dù bạn sẽ trải qua hai giai đoạn chuyển dạ và có thể bạn sẽ bị chuyển dạ sớm hơn dự kiến (sinh thiếu tháng). Bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn, thí dụ như: thiếu máu, tiền sản giật và hai em bé nằm ở vị trí bất thường trong tử cung. Có thể bạn sẽ thấy là các rối loạn thường gặp trong thai kỳ sẽ gia tăng gấp bội, đặc biệt trong các tháng cuối.
Hở eo tử cung:
Trong tiến trình thai nghén bình thường, cổ tử cung khép kín cho đến khi bắt đầu chuyển dạ. Tuy nhiên trong trường hợp hay bị sẩy thai sau tháng thứ ba thì hiện tượng này có thể là do cổ tử cung yếu nên lại mở ra, đẩy thai nhi ra ngoài (gây sẩy thai). Đặc điểm sẩy thai do hở eo tử cung là tuổi thai ngày càng nhỏ dần, tức lần sẩy thai sau tuổi thai nhỏ hơn lần trước. Những trường hợp này cần được khám xác định nếu đúng do hở eo tử cung cần được “khâu vòng” trong 3 tháng đầu của thai nghén nhằm vít hẹp lỗ trong của cổ tử cung để bảo vệ túi ối và sẽ cắt chỉ khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc khi thai đủ tháng.
Thai kém phát triển:
Điều này có thể sẽ xảy ra nếu bà mẹ mang thai hút thuốc, uống nhiều rượu hoặc có một chế độ ăn nghèo nàn, hoặc do bà mẹ mắc phải một bệnh nội khoa tổng quát (như bệnh đái đường, bệnh lao chẳng hạn). Đôi khi một số thuốc mà người mẹ dùng là nguyên nhân làm cho thai kém phát triển. Nhận biết thai kém phát triển bằng siêu âm để đo vòng đầu, vòng bụng và chiều dài chi dưới. Nếu thai nhỏ cần theo dõi thai bằng siêu âm thường xuyên hơn để theo dõi sự phát triển của thai. Đôi khi cần chọc ối để đánh giá tình trạng thai và tìm nguyên nhân gây kém phát triển (bệnh di truyền, nhiễm khuẩn). Người mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và thực hành chế độ ăn giàu dinh dưỡng, không uống rượu, không hút thuốc lá là cách giúp cho thai phát triển tốt.
Chảy máu ở âm đạo:
Nếu bạn thấy có máu chảy từ âm đạo ra ngoài vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ, bạn hãy mời bác sĩ đến ngay không được chậm trễ và nằm yên trên giường. Trước tuần lễ thứ 28, đây có thể là dấu hiệu báo bạn bị sẩy thai. Nếu xảy ra sau thời điểm này hiện tượng đó có nghĩa là rau bị chảy máu. Hiện tượng này xảy ra là do rau bắt đầu tróc ra khỏi thành tử cung (bong rau) hoặc là trong trường hợp rau bám quá thấp trong tử cung (gọi rau bám thấp) và phủ hẳn, hay một phần lên cổ tử cung (rau tiền đạo).

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

9 cách dễ dàng để ngăn ngừa sinh non

Theo thống kê, cứ 100 trẻ ra đời thì có đến 12 trẻ là sinh non (chỉ tính những bé sống sót sau sinh). Trẻ sinh non phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, khả năng thích nghi môi trườang sống kém vì cơ thể chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, mẹ phải mang cho con một tấm vé vào đời lành lặn và đủ ngày đủ tháng cho con phát triển bằng 9 cách dưới đây.

1. Ăn thường xuyên



Các nhà nghiên cứu cho biết, phụ nữ mang thai ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất là chưa đủ. Họ khuyến cáo các mẹ mang thai nên ăn thường xuyên, khoảng 5 lần trong ngày bao gồm 3 bữa chính và 2 bữa ăn nhẹ. Chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng với mẹ bầu và em bé để giúp mẹ nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và giúp ngăn ngừa sinh non.


2. Không nhịn tiểu



Khi có thai, các mẹ thường xuyên có nhu cầu tiểu tiện do bàng quang bị thai nhi chèn ép, nhưng vì bất tiện hoặc lười biếng mà các mẹ nhịn tiểu. Nếu nhịn tiểu, mẹ sẽ cảm thấy khó chịu ở tử cung và có thể gây nhiễm trùng ở bàng quang. Tình trạng viêm bàng quang sẽ kích thích tử cung và gây ra các cơn co thắt. Ngoài ra, nhịn tiểu cũng tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu - một nguyên nhân dẫn đến các cơn co thắt khiến mẹ bầu sinh non.


3. Điều trị dứt điểm viêm âm đạo



Nếu bạn dễ bị bệnh nhiễm trùng âm đạo, bạn nên được điều trị kịp thời vì những phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn có nguy cơ sinh non rất cao. Vì thế nếu bạn mắc bệnh cần nói với bác sĩ sản khoa để được kê thuốc kháng sinh giúp làm giảm nguy cơ sinh non và hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về loại thuốc phù hợp với tình trạng mang thai của bạn. Trong trường hợp nếu bạn có tiền sử sảy thai hoặc sinh non, hãy trao đổi với bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.


4. Duy trì sức khỏe nướu



Chăm sóc nha khoa định kỳ là một cách để phòng ngừa sinh non hiểu quả. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mẹ bầu mắc bệnh viêm nướu là một trong những nguyên nhân gây sinh non. Theo các nghiên cứu này, viêm nướu sẽ làm gia tăng quá trình sản xuất prostaglandin - chất kích thích co bóp cơ tử cung lúc chuyển dạ và sinh non. Vì vậy, bạn nên đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa và gặp nha sĩ ít nhất một lần trong suốt thai kỳ.


5. Bổ sung Vitamin



Vitamin trong khi mang thai không chỉ làm cho mẹ và bé khỏe mạnh mà còn giúp bạn giảm nguy cơ sinh non. Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Pittsburgh vừa được công bố trên tạp chí Obstetrics & Gynecology cho biết thai phụ thiếu vitamin D có nhiều khả năng phải đối mặt với nguy cơ sinh non. Vitamin D có thể được bổ sung bằng thức ăn trong 4 nhóm chất dinh dưỡng, nhưng bạn có thể hoàn toàn yên tâm nếu sử dụng viên bổ tổng hợp. Chỉ cần một viên vitamin tổng hợp mỗi ngày sẽ giúp mẹ bầu không chỉ tăng cường sức khỏe tổng thế mà còn cải thiện tỷ lệ sinh non. Ngoài ra vitamin tổng hợp còn rất cần thiết với những mẹ ăn uống kém.


6. Uống nhiều nước


Cố gắng uống 8 ly nước mỗi ngày (khoảng 2,5 lít nước) nếu thời tiết nóng để duy trì độ ẩm của cơ thể và giảm nguy cơ sinh non. Nếu bạn mất nước có thể sẽ dẫn đến các cơn co thắt sớm, gây sinh non. Nếu mẹ bầu tập thể dục nhiều hoặc vào các ngày tiết trời nắng nóng cần uống nhiều nước hơn bình thường.


7. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh



Khi mẹ muốn biết làm sao để hạn chế thấp nhất nguy cơ sinh non thì bản thân người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh với đầy đủ khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết cho em bé. Điều này đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo rằng em bé ra đời đúng ngày sinh dự kiến. Mẹ hãy luôn ghi nhớ một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng vô cùng tốt cho cả hai mẹ con và có thể giúp ngăn ngừa sinh non.


8. Hãy coi chừng cân nặng



Không nên tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai. Nếu mẹ tăng cân quá nhiều sẽ gia tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật - nguyên nhân của nguy cơ sảy thai. Việc tăng cân trong thai kỳ nên ở mức độ vừa phải, trung bình là 11,3-15,8 kg, để mẹ con cùng khỏe mạnh và em bé có cân nặng bình thường sau khi ra đời.

9. Khám thai thường xuyên


Mẹ cần nhớ và tuân thủ lịch khám thai theo định kỳ. Cùng với việc tự chăm sóc, theo dõi thai nhi, việc thăm khám thai và siêu âm định kỳ giúp mẹ loại bỏ và đề phòng những bất thường thai nghén, kiểm soát được các bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc cao huyết áp có thể gây sinh non.

Theo
http://th.theasianparent.com/

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Dấu hiệu mang thai là gì?

Theo cách thông thường là dựa vào việc tắt kinh sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau lần quan hệ. Tuy nhiên có nhiều bài viết về chủ đề này các mẹ có thể tham khảo:

Bao lâu thì có thể xác định được có thai? Dấu hiệu có thai là gì?


Ngoài ra, chỉ số Hcg cho biết có thai và độ tuổi thai: